Trong bối cảnh các giải VĐQG thường xuyên nằm dưới sự thống trị của một nhóm nhỏ các siêu CLB quen thuộc, đôi khi rất khó để phân biệt sự khác nhau giữa các nhà vô địch. Tuy nhiên, chức vô địch La Liga 2024/25 của Barcelona, dù chưa chính thức về mặt toán học, sẽ mãi khắc sâu trong ký ức của những người đã dõi theo nó.

…và Kylian Mbappé.

Có nhiều “đường nét” rất riêng trong cỗ máy Barca hiện tại khiến mùa bóng này của họ trở nên rất đỗi đặc biệt. Họ đang sử dụng sân vận động Olympic của thành phố làm sân nhà tạm thời thay vì Camp Nou. Một thế hệ những tài năng tuổi teen world-class mới đang nổi lên tại CLB này, với 2 ngôi sao sáng nhất là Lamine Yamal và Pau Cubarsi. Chiến thắng đầy cảm xúc trước Real Madrid vào hôm Chủ Nhật vừa qua đã khép lại “cú ăn bốn” của Blaugrana trong loạt trận El Clasico ở mùa giải 2024/25. Nhưng trên hết, cách chơi của Barcelona mùa này đã mang những sắc thái rất mới mẻ – tuy vẫn kế thừa tinh thần truyền thống của CLB, nhưng liều lĩnh hơn, dữ dội hơn và có rất nhiều trận đấu đôi công “ăn miếng trả miếng” nghẹt thở, những điều rất hiếm thấy ở đội bóng này trong những năm gần đây.
Chiến thắng 4-3 trước Real Madrid hôm Chủ Nhật tuần trước chính là hình ảnh thu nhỏ cho bộ mặt ấy của họ. Barcelona rõ ràng là đội chơi hay hơn trong phần lớn thời gian của trận đấu, nhưng họ cũng đã rất nhiều lần khiến những người hâm mộ của mình phải thót tim. Họ đã để cho đối thủ dẫn trước 2-0. Sau khi lội ngược dòng vươn lên dẫn 3-2, Blaugrana đã phải đối mặt với nguy cơ chịu một quả phạt đền, nhưng VAR đã giải nguy cho họ. Đến khi tỷ số trở thành 4-3, họ vẫn để cho Real Madrid có được 2 tình huống đối mặt thủ môn ở những phút cuối cùng, với những pha thoát xuống đầy tốc độ của Victor Munoz…

Tất nhiên, đáng lẽ ra Barcelona cũng đã có thể ghi thêm vài bàn nữa nếu như Raphinha không bất ngờ phung phí một loạt quả tạt tuyệt diệu của Yamal. Nhưng đây chính là hình ảnh điển hình của Barcelona ở mùa giải 2024/25 này, một đoàn quân đã tạo nên những cuộc lội ngược dòng phi thường, đồng thời cũng rất nhiều lần khiến người hâm mộ của họ phải đau tim trong khi đang nắm lợi thế dẫn trước.
Họ từng thắng Benfica với tỷ số 5-4, hạ Celta Vigo với tỷ số 4-3 và vượt qua Borussia Dortmund với tỷ số 3-2. Có lẽ màn trình diễn minh họa rõ nhất cho phong cách này của họ chính là trận đấu với Atletico Madrid trên sân nhà ở vòng bán kết Copa del Rey, khi Blaugrana bị dẫn trước 2-0, sau đó ngược dòng vươn lên dẫn 4-2, nhưng lại sụp đổ vào phút cuối cùng và bị cầm hòa 4-4. Hoặc trận tái đấu với đối thủ này ở La Liga 3 tuần sau đó cũng thế – khi họ lại bị dẫn trước 2-0, nhưng lần này đã thành công trong việc thắng ngược dòng với tỷ số 4-2. Hay cũng có thể là cuộc đối đầu với Inter ở vòng bán kết Champions League vừa qua, khi họ hòa 3-3 trên sân nhà và thua 4-3 trên sân khách, do đó phải dừng bước một cách đầy cay đắng.
Vào Chủ Nhật vừa qua, Mbappé đã trở thành cầu thủ thứ tư ở mùa giải này lập hattrick vào lưới Barcelona nhưng vẫn phải rời sân với thất bại. So với mùa giải cách đây 2 năm, tức lần gần nhất họ giành chức vô địch La Liga, hiện Barca đã ghi nhiều hơn 25 bàn so với chiến dịch đó nhưng cũng đã phải nhận nhiều hơn 16 bàn thua và họ vẫn còn 3 trận đấu nữa ở phía trước.
Dĩ nhiên, đây chính là một nét đặc trưng của Hansi Flick. Thời nhà cầm quân người Đức dẫn dắt Bayern Munich giành chức vô địch Champions League vào mùa giải 2019/20, hệ thống phòng ngự của họ có lẽ là hệ thống liều lĩnh, táo bạo nhất mà bóng đá châu Âu từng chứng kiến (ít nhất là trong kỷ nguyên bóng đá hiện đại, thời kỳ khái niệm “tham gia vào tình huống bóng” được diễn giải thoáng hơn nhiều so với những năm 1970, cái thuở mà các trọng tài sẽ thổi phạt và cho dừng trận đấu khi phát hiện ra bất kỳ ai ở trong thế việt vị, kể cả khi họ không hề ở gần quả bóng). Chiến thắng 8-2 trước chính Barcelona vào mùa giải đó chính là minh chứng tiêu biểu nhất cho phong cách bóng đá này của nhà cầm quân người Đức.
Flick đã tái hiện triết lý trên ở Barcelona, dù phải trông cậy vào một hàng thủ còn non kinh nghiệm và một thủ môn 35 tuổi từng tuyên bố giải nghệ là Wojciech Szczesny, được lôi kéo trở lại cuộc chơi để thay thế cho Marc-Andre ter Stegen bị dính chấn thương nặng. Kể cả vào thời kỳ đỉnh cao phong độ Szczesny cũng không phải là mẫu thủ môn lưu động, đa năng, và Flick cũng thừa nhận rằng thủ thành người Ba Lan vẫn rất thích hút thuốc. Pha vào bóng hấp tấp của lão tướng này với Mbappé vào hôm Chủ Nhật là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự chậm chạp do tuổi tác, nhưng nhìn chung anh đã đảm đương khá tốt trách nhiệm “thủ môn quét” của mình. Điều này có lẽ là nhờ vào cá tính mạnh mẽ của Szczesny, một lão tướng không quá bận tâm đến những sai lầm mà mình đã mắc phải, một phẩm chất rất cần thiết khi chơi trong một hệ thống mà các cầu thủ phải chấp nhận nguy cơ thỉnh thoảng bị đối thủ biến thành trò hề.
Tính toán của Flick – tương tự như Johan Cruyff vào đầu những năm 1990, khi còn dẫn dắt Barcelona – là phong cách bóng đá này tuy rất liều lĩnh và đẩy rủi ro nhưng đồng thời cũng có thể mang tới những “phần thưởng” rất đỗi tuyệt vời. Biểu đồ dưới đây cho thấy Barcelona là cái tên “độc cô cầu bại” trong việc bẫy việt vị đối thủ, và cùng với Bayern, họ cũng vượt trội hơn rõ rệt so với phần còn lại của Top 4 giải VĐQG hàng đầu châu Âu về khả năng thực hiện các đường chọc khe. Nói cách khác, Barcelona vừa là một đội bóng chấp nhận mạo hiểm với việc để lại những khoảng trống mênh mông phía sau hàng thủ của mình, vừa rất giỏi trong việc tận dụng khoảng trống phía sau hàng thủ đối phương.

Câu hỏi duy nhất cần đặt ra là phải chăng Barca nên kiểm soát trận đấu vững vàng hơn vào một số thời điểm nhất định.
Ví dụ, dù đã ghi nhiều hơn Real Madrid tận 25 bàn, nhưng việc số lần để lọt lưới của họ chỉ ít hơn đúng 1 bàn so với một Los Blancos đang lâm vào tình trạng vô tổ chức, mất cân bằng rõ rệt là một tình tiết thực sự đáng lo ngại. Vào hôm Chủ Nhật tuần trước, giống như trong hầu hết các trận đấu lớn khác của họ ở mùa giải này, đoàn quân của Carlo Ancelotti lại tiếp tục trở thành một mớ hỗn độn không ra hình thù gì, nhưng vẫn có thể chọc thủng lưới Blaugrana đến 3 lần.
Trên thực tế, cả Atletico Madrid (đứng thứ ba trên BXH) và Athletic Club (đứng thứ tư) đều đang có thành tích phòng ngự tốt hơn nhiều so với Barcelona. Về mặt này, vấn đề không hẳn nằm ở “sở thích” đẩy cao đội hình của đội chủ sân Camp Nou, bởi hệ thống này nhìn chung đã hoạt động rất hiệu quả. Thay vào đó, có lẽ đôi khi Barcelona nên chơi chậm lại, luân chuyền bóng thận trọng hơn khi đang dẫn trước, thay vì cứ ham đẩy nhanh nhịp độ.
Trận đấu trên sân khách với Inter ở vòng bán kết Champions League vừa qua chính là một ví dụ tiêu biểu. Mặc dù đã dẫn trước đối thủ ở những phút cuối, nhưng họ vẫn cố gắng tìm thêm bàn thắng để nới rộng cách biệt và cuối cùng phải trả giá đắt.
Mọi thứ có thể sẽ hoàn toàn thay đổi ở mùa giải sau. Ở mùa giải này, Gavi không phải là một sự lựa chọn mặc định trong đội hình đá chính của Barcelona, và những khi anh đá chính, Barca thường trở nên kém lôi cuốn hơn: Trong 12 trận Gavi ra sân ngay từ đầu, có 7 trận Barca chỉ ghi được duy nhất 1 bàn. Trong một trận đấu với Sevilla, Barca chỉ ghi được 1 bàn trước khi hiệp một kết thúc, rồi sau đó ghi liền 3 bàn sau khi Gavi rời sân nhường chỗ cho Fermin Lopez, một cầu thủ có xu hướng dâng cao nhiều hơn. Dù sau đó Lopez đã phải nhận thẻ đỏ khi tỷ số đang là 3-1, nhưng điểm mấu chốt trong chuyện này vẫn rất rõ ràng.
Sẽ thật kỳ quặc khi bảo rằng tấn công ít hơn, ghi bàn ít hơn là một điều tích cực, nhưng đôi khi đó có lẽ lại chính là điều mà Barcelona cần. Phải công nhận là họ đã suýt nữa đánh bại được Inter với lối tấn công “khô máu” này. Nhưng đáng lẽ ra đây là một trận đấu mà Barca nhất định phải thắng: Inter đang không đạt phong độ cao nhất, vậy mà Barca vẫn để cho đối thủ có được quá nhiều tình huống chuyển trạng thái nguy hiểm. Nếu bạn để thủng lưới tận 7 bàn trong một trận bán kết hai lượt đấu, sẽ rất khó để bạn có thể tiến xa hơn. Tất nhiên, sự khôn ngoan về chiến thuật thường đi kèm với kinh nghiệm chinh chiến, còn Barcelona thì đang là một đội bóng có đội hình xuất trận trẻ nhất La Liga mùa này, cùng với Valencia.
Đúng là sự thận trọng trong việc luân chuyển bóng có thể sẽ rất hữu ích trong những trận đấu loại trực tiếp khốc liệt mang bản chất “không thể để thua” ở đấu trường châu Âu, nhưng lối thi đấu thiên nặng về tấn công mà Blaugrana đang thể hiện lại rất phù hợp với bản chất “thắng càng nhiều càng tốt” của các giải vô địch quốc gia. Và họ đang làm điều đó với một phong cách táo bạo hơn bất kỳ đội bóng nào khác ở châu Âu, và thậm chí là hơn cả những đội quân huyền thoại hùng mạnh nhất của Barcelona trong quá khứ.
Theo The Athletic